CÔNG TY TNHH TTB - DC Y KHOA TÂN MAI THÀNH
Hướng dẫn đọc thính lực đồ
Sau khi thực hiện kiểm tra thính lực bạn sẽ nhận được báo cáo kết quả thính lực đồ, bài viết này sẽ hướng dẫn bạn đọc thính lực đồ một cách chính xác nhất và giúp bạn đưa ra quyết định thích hợp và hiệu quả.
Kết quả đo thính lực bằng âm thuần có ảnh hưởng đáng kể đến chẩn đoán và phương pháp điều trị cho bệnh nhân. Dựa vào đó bác sĩ sẽ đưa ra quyết định phẫu thuật, sử dụng máy trợ thính hoặc phương pháp điều trị cần thiết, đó là lí do vì sao bác sĩ cần phải hiểu rõ cách đọc thính lực đồ như thế nào.
Kiểm tra âm thuần
Đầu tiên cần phải hiểu cách để thực hiện, bác sĩ nên thực hiện kiểm tra thính lực âm thuần (theo đường khí và đường xương). Kiểm tra thính lực đường xương được dùng để đánh giá khả năng nghe, cụ thể là âm thanh nhỏ nhất mà bệnh nhân có thể nghe hay còn gọi là ngưỡng nghe.
Một cách đơn giản, ngưỡng nghe là âm thanh nhỏ nhất một người có thể nghe tại mỗi tần số với 50% thời gian. Điều quan trọng mà đo thính lực âm thuần đem lại là thông tin định lượng về thính giác của một người.
Trong quá trình kiểm tra, thiết bị phát âm thuần tới tai bệnh nhân, những âm thanh này được phát từ tần số thấp đến tần số cao (Hz) ở các mức cường độ khác nhau (dB). Kiểm tra đường khí cho phép âm thanh đi từ tai ngoài, qua tai giữa và vào tai trong nhờ vậy dẫn truyền đường khí có thể đánh giá hệ thống thính giác.
Kiểm tra đường xương thì cho phép âm thanh đi qua xương sọ thông qua dụng cụ làm rung (tạo dao động) đặt vào xương chũm hoặc trán. Kích thích dẫn truyền đường xương có thể đi trực tiếp vào tai trong bỏ qua tai ngoài và tai giữa.
Mục đích của kiểm tra là thính lực đồ, nó được dùng để xác định tình trạng, phân loại, đặc điểm (tần số bị ảnh hưởng đặc biệt), mức độ mất khả năng nghe (mức độ nghiêm trọng) và mất khả năng nghe một bên tai hay cả 2 bên.
Giới thiệu về thính lực đồ
Thính lực đồ là gì?
Thính lực đồ là một báo cáo chỉ ra khả năng nghe của bệnh nhân, nó được hiển thị dưới dạng biểu đồ với trục ngang là tần số (Hz) và trục dọc là cường độ (dB)
Cường độ được đo lường ở đơn vị dB với âm thanh nhẹ nhất là -10dB, mỗi đường nằm ngang hiển thị mức tăng độ lớn của âm thanh khi tăng giá trị dB
Note: -10dB không có nghĩa là không có âm thanh phát ra mà đó là âm thanh nhẹ nhất mà một người có thính giác bình thường có thể nghe được với 50% thời gian.
Tần số được đo lường ở đơn vị Hz, phạm vi đo thính lực thông thường bắt đầu từ thấp (125Hz) tới cao (8000Hz), tần số chúng ta nghe mỗi ngày trong phạm vi 250Hz tới 6000Hz
Note: trong khi phạm vi đo thính lực thông thường đạt tới 8000Hz, tuy nhiên có thể đo ở tần số 20000Hz để phát hiện sớm ảnh hưởng của ototoxic và chẩn đoán sớm tình trạng mất thính giác.
Những ký hiệu của thính lực đồ
Có rất nhiều ký hiệu được sử dụng trên thính lực đồ, nhưng hầu hết đều theo bộ ký hiệu tiêu chuẩn (ASHA, 1990). Những ký hiệu này được sử dụng để đánh dấu và mô tả những thông tin về khả năng nghe của bệnh nhân chi tiết hơn.
Những ký hiệu thính lực đồ thông thường
Note: Thuật ngữ “làm ù” là nói đến tiếng ồn được phát vào tai không kiểm tra để ngăn tai không kiểm tra nghe âm thanh được phát ra “hỗ trợ” cho tai kiểm tra. Các ký hiệu liên quan đến tai bên phải được đánh dấu màu đỏ và tai bên trái được đánh dấu màu xanh.
Mức độ mất thính lực
Tiêu chuẩn để đo lường mức độ mất thính lực giúp chúng ta hiểu về ảnh hưởng của việc mất thính lực. Tiêu chuẩn thông thường sử dụng là tiêu chuẩn của Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO.
Bằng cách thực hiện đo theo dẫn truyền theo đường khí có thể xác định được mức độ mất thính lực và hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của nó
Dưới đây là thính lực đồ trống với các mức độ mất thính lực được hiển thị theo các dải màu dựa trên tiêu chuẩn của WHO
Mất thính lực nhẹ (26 – 40 dB): có thể nghe cuộc hội thoại trong môi trường yên tĩnh nhưng khó khăn khi nghe trong môi trường ồn ào
Mất thính lực vừa phải (41 – 55 dB): có thể hiểu được cuộc hội thoại trong không gian yên tĩnh khi nói chuyện trực tiếp, từ ngữ bị hạn chế trong chủ đề đã biết. Có thể bỏ lỡ tới 70% thông tin cuộc hội thoại
Mất thính lực hơi nghiêm trọng (56 – 70 dB): phải cố gắng để nghe cuộc hội thoại bình thường trong phòng yên tĩnh và bỏ lỡ hầu hết nội dung.
Mất thính lực nghiêm trọng (71 – 90 dB): chỉ có thể nghe thông tin khi nói lớn, có thể không nghe thấy mọi âm thanh
Mất thính lực hoàn toàn (90+ dB): không nghe được cuộc hội thoại ngay cả với âm thanh lớn, thậm chí có thể cảm nhận lời nói dưới dạng rung động.
Cấu hình của mất thính lực
Cấu hình mất thính lực được phân loại dựa theo hình dạng đường nối của các ngưỡng nghe dẫn truyền đường khí của bệnh nhân trên thính lực đồ. Các hình dạng/cấu hình khác nhau của mất thính lực có thể liên quan tới đến một số nguyên nhân nhất định, ví dụ do tự nhiên như giảm thính lực tuổi già thường có hình dạng dốc.
Hệ thống thông thường được sử dụng để thiết lập cấu hình mất thính lực được hiển thị dưới đây. Chú ý chỉ được sử dụng khi dưới quãng tám, các tần số quãng tám là các tần số ở trục ngang của thính lực đồ (250, 500, 1000, 2000, 4000, 8000 Hz)
3 loại mất thính lực cơ bản
1. Mất thính lực dẫn truyền
Nếu kết quả ngưỡng nghe đường khí cho thấy mất thính lực nhưng kết quả ngưỡng nghe đường xương bình thường thì chính là mất thính lực dẫn truyền. Điều này có nghĩa là có vấn đề ở tai ngoài hoặc tai giữa khi sự dẫn truyền âm thanh bị gián đoạn. Ví dụ nguyên nhân mất thính lực dẫn truyền do cứng sáp trong ống tai hoặc viêm tai giữa với tràn dịch.
2. Mất thính lực thần kinh giác quan
Nếu cả 2 kết quả ngưỡng nghe theo đường xương và đường khí đều chỉ ra mất thính lực cùng mức độ thì đó là mất thính lực thần kinh giác quan. Điều này có nghĩa là có vấn đề ở tai trong, nguyên nhân gây mất thính lực thần kinh cảm giác là do ototoxicity và do tiếng ồn gây ra
3. Mất thính lực hỗn hợp
Nếu cả 2 kết quả ngưỡng nghe theo đường xương và đường khí để chỉ ra mất thính lực, nhưng theo đường khí chỉ ra mức độ nặng hơn thì gọi là mất thính lực hỗn hợp. Điều này có nghĩa là có vấn đề ở tai ngoài hoặc/và tai giữa (dẫn truyền) và tai trong (thần kinh cảm giác).
Tóm lại, biết cách đọc thính lực đồ thì bác sĩ có thể phân loại mất thính giác theo mức độ, cấu hình và loại. Thông tin này rất hữu ích giúp bác sĩ trong việc đưa ra quyết định đánh giá chẩn đoán thêm hay tiến hành can thiệp y tế đối với bệnh nhân.
Biên dịch: Hồng Thắm
Nguồn: Kuduwave