CÔNG TY TNHH TTB - DC Y KHOA TÂN MAI THÀNH
Chăm sóc vết bỏng ít đau, giảm sẹo và mau lành
Bỏng là một tai nạn có thể xảy ra với bất cứ ai và bất cứ lúc nào, đặc biệt là trẻ nhỏ hiếu động, nên việc trang bị kiến thức chăm sóc vết bỏng đúng để sơ cứu ban đầu là rất quan trọng, tránh trường hợp lúng túng và xử lý sai làm trầm trọng thêm cho con, để lại di chứng nặng nề.
Bài viết sau đây của BS. Lê Hữu Phước, công tác tại bệnh viện Nhi Đồng 1 trên trang Y học Cộng Đồng sẽ giúp quý phụ huynh, cũng như các bác sĩ có những nắm bắt khái quát trong việc chăm sóc vết thương do bỏng, đặc biệt là các trường hợp bỏng trẻ em.
> Xem thêm: Những lưu ý trong điều trị bỏng | Bỏng trẻ em – Nguyên nhân và cách xử lý
Nhận diện vết bỏng cần nhập viện
Trước khi giới thiệu về các cách chăm sóc vết bỏng để hạn chế đau đớn, chống nhiễm trùng, giúp mau lành để hạn chế sẹo, thì xin lưu ý về các trường hợp cần nhập viện điều trị để đảm bảo an toàn cho trẻ em:
- Vết bỏng quá rộng (>10%) hoặc trẻ sơ sinh, dưới 6 tháng.
- Vết bỏng ở các vùng nguy hiểm dễ nhiễm trùng như mắt mũi miệng, đầu mặt cổ, quanh vùng hậu môn sinh dục, bàn tay bàn chân có phồng rộp hết lớp da.
- Các tình huống bỏng như uống nước sôi, nổ bình gas, điện giật, cháy nhà, rơi vào vũng nước sôi, tiếp xúc hóa chất, văng vào mắt mũi họng…
- Vết bỏng tuy không nhiều nhưng bé có sốt cao, lừ đừ, bỏng tuột da nền trắng bệch mà bé không đau, quanh vết bỏng sưng tấy đỏ, có gờ hoặc mụn mủ.
- Và khi bị bỏng, tốt nhất nên đến cơ sở y tế gần nhất sơ cứu để bác sĩ nhận diện giúp vết bỏng có cần nhập viện điều trị hay không.
Chăm sóc vết bỏng mau lành, ít đau, giảm sẹo
Các bài viết chính thống về bỏng đã có rất nhiều, từ sách giáo khoa ngành y cho tới các chuyên gia hàng đầu chia sẻ kiến thức chung chung.
Nên ở đây chỉ nhắc lại một vài nguyên tắc chủ đạo kèm với cái nhìn toàn cảnh về sự tiến bộ trong y khoa hiện nay thôi.
Những kỹ thuật và phương tiện hiện đại hơn thì xin không nhắc đến vì quá sâu, không cần thiết phổ biến.
Có một vài nguyên tắc chính yếu mà nếu hiểu rõ sẽ giúp ba mẹ tự tin khi xử lý vết bỏng cho trẻ:
Ý nghĩa | Cách làm | |
Sơ cứu | Rửa sạch, giảm nhiệt cho mô, nhận định độ nông sâu | Rửa sạch vết bỏng dưới vòi nước đang chảy trong 05-15 phút, không ngâm hoặc chà nước đá. |
Chống nhiễm trùng | Mất lớp da bảo vệ làm vi khuẩn tại chỗ xâm nhập qua vết bỏng dễ đi vào máu, do đó đừng chọc vỡ bóng nước tại nhà. | Dùng các thuốc kháng sinh dạng bôi như silvirin, thuốc xịt panthenol, kem biafine, băng vết thương có bạc (Ag) kháng khuẩn và vô trùng. |
Giữ ẩm tối ưu | Độ ẩm tối ưu giúp lành thương nhanh và đẹp nhất, điều này đã được cả thế giới công nhận. | Vết bỏng đang rỉ dịch thì thay băng gạc khô hoặc bột kháng sinh. Nếu vết bỏng khô rồi thì thoa kem hoặc đắp gạc lên trên. |
Nắm được 3 điều cơ bản trên là đã có thể giúp quý phụ huynh chăm bé tốt hơn trước khi gặp bác sĩ rồi.
Cứ nhớ: rửa sạch, sát khuẩn betadin, giữ ẩm. Theo sự điều hòa tự nhiên, ướt thì cần làm cho khô, mà khô thì cần làm ẩm lại.
Tức là vết thương đang rỉ dịch ta phải làm cho nó khô bằng cách dùng gạc thấm hút. Vết thương khô rồi thì lại phải thoa gel hoặc kem có kháng sinh để dưỡng ẩm và chống nhiễm trùng.
Một nguyên tắc nữa (mà sẵn đây nêu ra cho anh chị em cùng ngành lưu ý thêm), là tổn thương bỏng luôn luôn có thể tổn thương sâu thêm. Khi bỏng, bề mặt da sẽ có 3 lớp như sau, lớp tổn thương nặng nhất ở trên cùng, lớp viêm nằm giữa, lớp lành nằm dưới.
Mục tiêu cao nhất là giúp lớp viêm không bị chèn ép gây thiếu máu nuôi, hoặc lớp trên cùng hoại tử ăn lan xuống, hoặc tình trạng nhiễm trùng bên trên làm lớp viêm bị nhiễm trùng theo và lan xuống tiếp lớp lành. Bỏng độ 3 chăm sóc không tốt và để quá lâu lành sẽ có thể thành độ 4 là vì vậy.
Các chăm sóc chuyên sâu hơn như oxy cao áp, hút áp lực âm, cắt lọc, ghép da hoặc ghép màng che phủ… thì cần do bác sĩ bỏng chỉ định.
Một số cập nhật mới trong việc chăm sóc vết thương bỏng
Sau đây là một số cập nhật mới về băng gạc sinh học tiên tiến, rửa vết thương giảm đau chống nhiễm trùng, việc lựa chọn liệu trình chăm sóc nào cho từng bé nên được chuyên gia có kinh nghiệm hướng dẫn, và tùy điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, không nên rập khuôn:
Rửa vết bỏng cơ bản nhất là dùng nước muối sinh lý có hoặc không pha betadin.
Nước rửa có chất kháng khuẩn như betaine + polyhexanide giúp chống tạo lập màng biofilm vi khuẩn đang được ưu chuộng, nhưng giá thành còn cao, dùng thay nước muối sinh lý, hợp với vết bỏng đang nhiễm trùng rõ.
Một số nơi cao cấp hơn thì dùng nước muối sinh lý có pha thêm thuốc, được phun với oxy áp lực cao, nhằm rửa sạch vết bỏng lại ít đau, trôi được mảng da chết hoặc chất dơ xung quanh mà không làm tổn thương mô lành, bổ sung oxy cho mô mau lành, nhưng bộ rửa này giá khá đắt, tiền triệu.
Băng gạc vô trùng truyền thống thường sẽ kết dính vào da thịt nên gây đau, việc này vừa có lợi vừa có hại. Lợi là nếu vết bỏng có da chết sẽ dính theo gạc mỗi lần thay băng, dĩ nhiên sẽ rất đau. Hại là lớp da non cũng dính theo gạc và đi luôn, làm vết bỏng bị tổn thương sau mỗi lần thay băng, chậm lành hơn.
Trên thị trường cũng có sản phẩm xịt giúp dễ gỡ băng, nhưng do giá cao và khó tìm mua nên các bác sĩ ít chỉ định.
Quá nhiều công nghệ gạc tiên tiến hiện nay đều quảng cáo về khả năng thấm hút dịch cao, không thấm ngược, không dính vào da nên thay băng không đau… Tuy nhiên việc lựa chọn giữa công nghệ hydrocolloid, polyurethane, hydrofiber…dễ làm rối trí cả bệnh nhân lẫn bác sĩ không chuyên.
Nhưng có một nguyên tắc chung nhất là bất kỳ loại gạc nào cũng phải được thay ngay khi ngậm no nước dịch tiết từ vết bỏng. Đặc biệt các vết thương có nguy cơ nhiễm trùng thì không dùng gạc hydrocolloid, hydrogel.
Một số sản phẩm khác như tấm silicone dán chống sẹo, hydrogel giúp tạo màng, maltodextrin khô và gel tùy vết bỏng hoặc vết thương khô hay ướt… Mỗi sản phẩm có một thế mạnh riêng, kinh nghiệm sử dụng của bác sĩ cũng khác nhau, điểm chung là giá thành cao, có khi là rất cao so với mặt bằng chung.
Vùng mặt và quanh bộ phận sinh dục hậu môn thường cực kỳ khó băng hay dán, nên sản phẩm ưu tiên chọn lựa sẽ là các loại kháng sinh dạng mỡ, thuốc xịt tạo màng, gel có chứa bạc, mật ong manuka…
Những nhận định sai lầm về sự nghiêm trọng của vết bỏng
Nãy giờ đọc đến đây, hẳn nhiều bạn sẽ thắc mắc: “sao cái gì cũng đắt thế, và bảo hiểm có chi trả không, xưa giờ kinh nghiệm trị bỏng của bản thân và gia đình truyền lại đơn giản nhưng cũng hiệu quả lắm mà, bày vẽ chi nhiều vậy!?”
Trước khi trả lời, xin nhắc lại một kiến thức cơ bản quan trọng: bỏng nông đau nhiều, bỏng quá sâu không đau.
Chính vì cơ chế tổn hại thần kinh cảm giác này, mà nhiều người khi bị bỏng tụt da sẽ đau dữ dội và nghĩ là mình bị bỏng quá nặng, trong khi thực ra thì chỉ là bỏng nhẹ. Mà bỏng nhẹ thì chăm sóc kiểu gì miễn đừng nhiễm trùng cũng sẽ lành hoàn toàn trong vòng 3 ngày tới dưới 2 tuần, không hề để sẹo.
Trong khi bỏng càng sâu, đầu dây thần kinh bị chết, không đau nữa, dễ làm người nhà chủ quan là nhẹ, tự ý điều trị, ví dụ hay gặp là bỏng pô xe máy, nếu tụt da nền trắng bệch có khi cả tháng chưa lành hoặc phải mổ ghép da.
Việc lâu nay trong dân gian bàn tán thoa đủ thứ trên đời vào chỗ bỏng như kem đánh răng, nước mắm, sữa, mật ong, trứng, mỡ trăn, mỡ bò, thuốc lá, nhựa cây nha đam, bã cà phê… là cũng từ sự hiểu lầm nêu trên.
Nhiều thế hệ, nhiều người, bị bỏng tụt da, vì quá đau mà làm theo bày vẽ này nọ, thấy lành hẳn không để sẹo chỉ trong 3-7 ngày, từ đó hình thành niềm tin sâu sắc về điều mình đã làm, và cứ bày vẽ lại cho người khác!
Chỉ khi nào bạn làm bác sĩ, gặp trong đời cả chục, cả trăm ngàn ca bệnh bỏng, đắp đủ thứ từ mọi miền tổ quốc đưa về, bị nhiễm trùng và không hiếm trường hợp tử vong hoặc phải cắt bỏ tay chân, dù vết bỏng ban đầu là không nặng, bạn mới hiểu được sự cảnh giác và thái độ của một số bác sĩ về việc chăm sóc ban đầu hiện nay.
Đặc biệt ở các vùng có đắp thuốc lá, thuốc bột tự chế, đôi khi do chính bác sĩ làm, nếu lành thì lành rất tốt, nhưng chuyện nhiễm trùng hoại tử rụng cả ngón tay, cả bàn tay, bàn chân là không hiếm, thực sự đau lòng vì mọi phản hồi ngược về dưới đều như ném đá xuống biển khơi.
Câu chuyện bảo hiểm, đặc biệt trong bệnh viện nhi, thì lại là một câu chuyện dài tập, một lời khó cạn ý, chỉ có thể kết luận 1 điều: bác sĩ đang cố gắng chữa lành vết thương với các vật tư phương tiện được đấu thầu sẵn có, miễn sống sót và lành sẹo để ra viện là mừng rồi, không có khái niệm chăm sóc giảm đau khi thay băng hoặc lành mau, lành hạn chế sẹo đâu.
Bàn chuyện cuối,
Thuốc và vật tư điều trị bỏng đắt tiền, liệu thật sự đắt không?
So sánh đơn giản vầy, một vết bỏng tụt da nông, kích thước 10x10cm, rất đau, nếu thay băng kem và gạc thông thường, phải thay mỗi ngày 1-2 lần tuỳ lượng dịch tiết nhiều ít, trong 1 tuần phải thay băng từ 7-10 lần, mỗi lần theo giá hiện hành của bảo hiểm là 400 ngàn.
Còn nếu dùng gạc tiên tiến, có thể thay băng chỉ từ 1-3 lần, mỗi 3-5 ngày mới phải thay băng 1 lần, một miếng gạc khoảng 200 ngàn. Chưa bàn tới chuyện tốn kém thời gian nằm viện, công chăm sóc, nghỉ việc chăm con, nỗi đau bé gánh chịu… thì chi phí đơn thuần đã là toán lớp một, ai cũng có thể hiểu được!
Duy nhất một chuyện chưa nói, bé dưới 6 tuổi được miễn phí toàn bộ khi chữa bệnh, do đó khi thanh toán xuất viện có khi người nhà chẳng trả đồng nào, nên tạo ảo giác xã hội là rẻ, chi phí mất đi vô hình thì khó thấy, không phải ai cũng đủ tỉnh táo để nhận ra, đặc biệt bà con dưới tỉnh, vùng quê nghèo, khổ cho bé mà cũng khổ tâm cho cả bác sĩ nữa!
Chúc mọi bà mẹ ông bố đều trang bị thêm được chút kiến thức hữu ích gì đó qua bài viết đơn sơ này, thân mến!
BS. Lê Hữu Phước
Công tác Bệnh viện Nhi Đồng 1
Nguồn: Y Học Cộng Đồng