Bàn chân Đái tháo đường & những biến chứng nguy hiểm

Biến chứng bàn chân do bệnh Đái tháo đường (Diabetic Foot Ulcers –DFUs) là tình trạng bàn chân của người bệnh bị biến dạng, loét, nhiễm trùng dẫn đến hoại tử một phần hoặc cả bàn chân. Đây cũng là nguyên nhân của 85% số ca phải cắt cụt chi ở bệnh nhân mắc phải bệnh lý này.

Nếu không kiểm soát tốt lượng đường huyết khi mắc phải bệnh đái tháo đường, để cho những biến chứng này xảy ra thì sẽ rất khó khăn trong việc điều trị, gây đau đớn, suy nhược và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý người bị bệnh.

Hãy cùng Chuyên Gia Vết Thương tìm hiểu về những biến chứng này trong bài viết bên dưới nhé!


Ban sao cua Xanh duong dam Anh Chuc mung Sinh Nhat Bai dang Facebook 4

Sơ lược về Bệnh lý Đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường ( hay bệnh tiểu đường) là một bệnh mãn tính gây rối loạn chuyển hóa do lượng đường huyết (glucose) trong máu tăng cao quá mức kiểm soát.

Bệnh lý này khiến cơ thể không thể sử dụng hay sản xuất Insulin – Một loại Hormone giúp chuyển hóa glucid, lipid và protein và giúp điều hòa lượng đường huyết trong cơ thể người.Từ đó, không thể cung cấp đủ năng lượng cho hoạt động của nhiều cơ quan, gây ra các biến chứng bệnh tim mạch, bệnh thần kinh ngoại vi, thận, da và gây giảm thị lực.

Bệnh Đái tháo đường được phân làm 3 loại:

  • Đái tháo đường type 1
  • Đái tháo đường type 2
  • Đái tháo đường thai kỳ

Bệnh đái tháo đường type 1 (đái tháo đường phụ thuộc vào Insulin)

Đây là bệnh lý mãn tính xảy ra do tế bào  beta đảo tụy sản xuất ít hoặc không tiết ra insulin.

Bệnh thường gặp ở độ tuổi trẻ, thanh thiếu niên và có thể phát hiện khi đã trưởng thành.

Bệnh đái tháo đường type 2

Đái tháo đường type 2 chiếm khoảng 90% trong các trường hợp đái tháo đường ghi nhận được.

Bệnh thường tiến triển một cách âm thầm với những biểu hiện nhỏ khiến chúng ta khó lòng nhận ra. Tuy nhiên, một khi bệnh chuyển biến nặng thì những biến chứng của nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí là đe dọa tính mạng của người bệnh.

Không giống như cơ chế của bệnh đái tháo đường type 1 – cơ thể không thể sản xuất đủ Insulin để chuyển hóa glucose cần thiết cho cơ thể.

Ở bệnh nhân mắc đái tháo đường type 2, tế bào beta đảo tụy vẫn sản xuất được Insulin bình thường, tuy nhiên, cơ thể lại mất khả năng sử dụng Insulin (hay nói cách khác là kháng Insulin).

Điều đó cũng dẫn đến các tế bào không thể sử dụng glucose làm hàm lượng của chúng ngày một tăng lên trong máu.

Lúc đầu, tuyến tụy sẽ tăng cường sản xuất Insulin để bù đắp vào khoản thiếu hụt. Nhưng tuyến tụy không thể cứ tiếp tục duy trì trạng thái hoạt động quá mức này và sẽ mỗi ngày một trở nên suy yếu dần. Tất nhiên, đến một lúc nào đó lượng Insulin tiết ra sẽ không còn đủ để duy trì hàm lượng glucose ổn định trong máu nữa dẫn đến thiếu hụt Insulin.

Đây chính là thời điểm mà các bệnh nhân mắc phải bệnh lý đái tháo đường type 2 buộc phải bổ sung thêm Insulin ngoại sinh để duy trì hoạt động chuyển hóa của cơ thể.

Cũng giống như đái tháo đường type 1 ở nguy cơ khởi phát từ di truyền.Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy nguyên nhân dẫn đến đái tháo đường type 2 còn là lối sống không lành mạnh: thừa cân béo phì, chế độ ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh, lười vận động, thường xuyên sử dụng bia rượu, thuốc lá hay đồ uống có chất kích thích,…

Bệnh đái tháo đường thai kỳ

Bên cạnh hai type bệnh lý đái tháo đường như đã kể trên thì còn có bệnh đái tháo đường thai kỳ.

Đây là tình trạng rối loạn dung nạp glucose trong lúc mang thai.

Tình trạng này thường không có triệu chứng nên khó phát hiện và sẽ biến mất sau 6 tuần kể từ khi sinh.

khoảng 3-7% phụ nữ mang thai mắc phải bệnh lý này.

Nếu như không được theo dõi và điều trị đúng cách, bệnh có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe của cả người mẹ lẫn thai nhi.


Biến chứng bàn chân do bệnh Đái tháo đường (Diabetic Foot Ulcers –DFUs)

Xanh duong dam Anh Chuc mung Sinh Nhat Bai dang Facebook 4

Biến chứng bàn chân do bệnh đái tháo đường là tình trạng bàn chân của người bệnh bị biến dạng, loét, nhiễm trùng dẫn đến hoại tử một phần hoặc cả bàn chân.

Chúng phổ biến đối với cả những người mắc bệnh đái tháo đường type 1 và 2 nếu như không có một kế hoạch chăm sóc, sinh hoạt và điều trị hiệu quả cho những bệnh nhân này.

Biến chứng bàn chân do đái tháo đường xảy ra ở khoảng 25% bệnh nhân mắc phải bệnh lý này.

Trong số những bệnh nhân bị biến chứng, 6% sẽ phải nhập viện do nhiễm trùng hoặc biến chứng liên quan đến loét khác và đây cũng là nguyên nhân của 85% trường hợp gây cắt cụt chi, tàn phế ở bệnh nhân đái tháo đường.

Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng những bệnh nhân có tiền sử loét chân do đái tháo đường có nguy cơ tử vong cao hơn 47% so với những bệnh nhân đái tháo đường chưa từng bị loét chân.


Các nguyên nhân gây biến chứng bàn chân đái tháo đường

Bệnh lý thần kinh ngoại biên do đái tháo đường (Diabetic Peripheral Neuropathy-DPN)

Hệ thần kinh ngoại biên (còn gọi là hệ thần kinh ngoại vi), là một trong hai thành phần của hệ thần kinh, thành phần còn lại là hệ thần kinh trung ương (não và tủy sống).

Chức năng của hệ thần kinh ngoại biên là kết nối và truyền tín hiệu giữa não, tủy sống và những phần còn lại của cơ thể.

Do đó, khi dây thần kinh ngoại biên bị tổn thương chúng sẽ không thể thực hiện chức năng của mình được nữa và khả năng nhận – truyền thông tin của não với cơ và các cơ quan khác sẽ bị ảnh hưởng.

Khoảng 60 đến 70% số người mắc phải bệnh lý đái tháo đường sẽ gặp phải các vấn đề về tổn thương dây thần kinh ngoại biên trong suốt cuộc đời của họ. 

Những người bị đái tháo đường lâu năm/ kiểm soát bệnh kém thường có nguy cơ mắc bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường cao hơn.

Cơ chế

Bệnh đái tháo đường làm cho lượng glucose triglyceride (một loại chất béo) trong máu không được kiểm soát và thường ở mức cao. Việc tiếp xúc thường xuyên này của các sợi thần kinh ngoại biên với nồng cao của đường huyết do bệnh đái tháo đường sẽ mau chóng khiến chúng bị tổn thương và hư hỏng ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc dẫn truyền các cảm giác thần kinh.

Các mạch máu nhỏ (đóng vai trò làm cầu nối giữa các động tĩnh mạch) giúp cung cấp chất dinh dưỡng cho các dây thần kinh cũng sẽ bị xơ vữa, bị hẹp hoặc tắc. Chúng không còn thực hiện tốt chức năng của mình là mang máu đến nuôi dưỡng và cung cấp oxy cho các dây thần kinh.

Bên cạnh đó, bệnh lý thần kinh ngoại biên do đái tháo đường còn gây rối loạn hệ thần kinh thực vật: hạ huyết áp tư thế đứng, choáng ngất, rối loạn đại tiểu tiện, giảm tiết mồ hôi, liệt dương.

Xanh duong dam Anh Chuc mung Sinh Nhat Bai dang Facebook
Sự tổn thương của các mạch máu nhỏ khiến chúng mất khả năng mang chất dinh dưỡng và oxi đến nuôi dưỡng các dây thần kinh khiến chúng bị co rút và hư tổn nặng

Biểu hiện

Ban đầu, người bệnh sẽ cảm thấy bàn chân có cảm giác ngứa ran hoặc bỏng rát, ngay cả những tiếp xúc nhẹ nhất cũng khiến họ cảm thấy đau đớn do sự kích ứng của các dây thần kinh. 

Về sau, sự tổn thương ở các dây thần kinh ngoại biên khiến cho các dây thần kinh tại vùng chân và bàn chân không còn hoạt động một cách bình thường, do đó người mắc bệnh sẽ không thể cảm nhận được sự thay đổi của nhiệt độ hay cảm giác đau khi bị các vật sắc nhọn đâm phải. 

Chính vì thế, người bệnh sẽ không thể cảm nhận được được những vết thương nhỏ như vết cắt, trầy xước, phỏng rộp và loét. 

Bệnh lý thần kinh ngoại biên cũng làm ảnh hưởng đến các cơ chế tái tạo và làm ẩm da gây nên tình trạng giảm tiết mồ hôi bất thường. Da của những bệnh nhân này thường xuyên bị khô ráp, bong tróc và nứt nẻ. Đây cũng là một điều kiện thuận lợi cho sự khởi phát của nhiễm trùng.

Ở những bệnh nhân bị biến chứng tổn thương thần kinh ngoại biên do đái tháo đường ghi nhận tình trạng teo cơ, co rút, tiêu hủy cơ bên trong, nặng hơn có thể ảnh hưởng đến xương khiến chúng nứt hoặc vỡ.

Những biến chứng này khiến bàn chân bị đỏ, đau, sưng, về sau sẽ dẫn đến dị dạng bàn chân và thay đổi cơ học bàn chân, gây khó khăn trong vận động và thậm chí khiến bệnh nhân phải nằm liệt giường.

Ví dụ như biến dạng ngón chân hình búa, bàn chân Charcot ( bàn chân bẹt)  hay các xương nhô ra bất thường

Mặt khác, chính vì sự giảm sút về khả năng cảm nhận ở những bệnh nhân đái tháo đường mà họ sẽ không thể cảm giác được biểu hiện của biến chứng này nên sẽ tiếp tục đi lại bình thường. Điều đó càng càng cho bàn chân càng bị biến dạng nghiêm trọng hơn.


Bệnh động mạch ngoại biên do đái tháo đường (Peripheral Arterial Disease – PAD)

Những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao mắc bệnh động mạch ngoại biên dẫn đến phát triển chứng thiếu máu cục bộ ở các chi, đặc biệt là chi dưới.

Tối thiểu 1/3 số người bị đái tháo đường sẽ mắc phải bệnh lý động mạch ngoại biên.

Bệnh gây xơ vữa và tắc nghẽn động mạch đến các chi ( thường là động mạch vùng chân và bàn chân) ở bệnh nhân mắc phải . Ngoài ra, sự thiếu hụt máu này còn khiến cho không thể cung cấp đầy đủ thuốc kháng sinh đến vết thương khi áp dụng các liệu trình điều trị bệnh.

Mức độ nghiêm trọng của bệnh lý này tăng lên khi tình trạng kiểm soát đường huyết kém đi hoặc tuổi tác của bệnh nhân tăng lên ( cứ khoảng 3 người trên 50 tuổi thì có một người mắc bệnh đái tháo đường cũng mắc bệnh động mạch ngoại vi).

Cơ chế

Lượng đường huyết trong máu tăng làm cho thành động mạch trở nên thô ráp, khiến cho các tích tụ chất béo, cholesterol và các chất khác dễ dàng tích tụ lại trên thành động mạch. Điều này làm cho máu không thể lưu thông bình thường qua mạch, dẫn đến lượng máu đến các chi bị hạn chế (hay còn gọi là sự xơ vữa động mạch).

Những người mắc phải bệnh lý đái tháo đường type 2 dễ mắc bệnh động mạch ngoại biên hơn vì type 2 thường có mức độ axit béo trong máu cao hơn so với type 1.

Sự thiếu hụt máu sẽ dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng và oxi đến nuôi dưỡng các mô, gây ra tổn thương mô.

Bàn chân là vị trí có nguy cơ bị tổn thương mô cao nhất.

Xanh duong dam Anh Chuc mung Sinh Nhat Bai dang Facebook 3 1
Lượng đường huyết trong máu tăng làm cho thành động mạch trở nên thô ráp, khiến cho các tích tụ chất béo, cholesterol và các chất khác dễ dàng tích tụ lại trên thành động mạch

Biểu hiện

Biểu hiện của bệnh động mạch ngoại biên ở bệnh nhân đái tháo đường thường là khiến bệnh nhân cảm thấy đau hoặc chuột rút chân nghiêm trọng khi đi bộ.

Tuy nhiên, bệnh lý này thường kết hợp với bệnh lý thần kinh ngoại biên ở những người bị đái tháo đường, kết quả là khiến cho chân và bàn chân của những bệnh nhân này dễ bị thương hơn, lâu lành hơn, dễ bị nhiễm trùng và loét, nghiêm trọng có thể dẫn đến hoại tử.

Ngoài ra, bệnh lý đái tháo đường sẽ làm cho hệ miễn dịch của người bệnh này càng suy yếu, nhiều nghiên cứu cho thấy hoạt động chống lại mầm bệnh của bạch cầu, bổ thể bị ức chế ở các bệnh nhân đái tháo đường.

Chính vì thế, những vết thương dù là rất nhỏ ở bệnh nhân đái tháo đường cũng sẽ mất một khoảng thời gian rất lâu để lành lại, và tỉ lệ nhiễm trùng ở những vết thương của họ cũng cao hơn nhiều lần so với người bình thường.

Đối với người bình thường, một vết thương cấp tính chỉ mất một khoảng thời gian tầm vài ngày đến vài tuần để liền lại.

Tuy nhiên đối với những bệnh nhân gặp phải các biến chứng của bệnh lý đái tháo đường, khoảng thời gian này có thể tăng lên vài tuần đến vài tháng.

Đó là chưa kể nếu không được chăm sóc đúng cách vết thương còn có nhiều khả năng bị nhiễm trùng trầm trọng hơn dẫn đến nguy cơ phải đoạn chi.

Một số biểu hiện khác của bệnh động mạch ngoại biên cũng có thể là thay đổi màu sắc ở bàn chân, móng tay mọc kém và giảm mọc lông ở chân hoặc ngón chân.


Loét

Loét bàn chân ở người bệnh đái tháo đường xảy ra do tình trạng thiếu máu cục bộ tại vùng chi dưới. 

Cơ chế

Cơ chế chính của biến chứng này thường là sự kết hợp của bệnh thần kinh và động mạch ngoại biên. 

Ở những bệnh nhân đái tháo đường dẫn đến các biến chứng như đã đề cập ở trên, các vết thương dù là nhỏ vẫn rất khó để lành lại và có nhiều nguy cơ cao sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Nguyên nhân 

  • Các biến dạng ở bàn chân: các biến dạng này sẽ gây nên sự phân bố lực bất thường, hình thành các nốt chai sần, lâu ngày hình thành vết loét. 
  • Chấn thương từ bên ngoài hình thành vết thương hở: lượng đường cao trong máu khiến các chấn thương cơ học như trầy xước, vết cắt, các tác động từ hóa chất, nhiệt độ,… khó có thể lành lại, tăng nguy cơ nhiễm trùng và tạo nên các vết loét mãn tính.

Các vị trí có nguy cơ loét

Loét bàn chân do đái tháo đường thường gặp ở cạnh bàn chân, ngón chân cái, phía dưới ngón chân cái, giữa các ngón chânvùng gót chân.

Xanh duong dam Anh Chuc mung Sinh Nhat Bai dang Facebook 1
Loét bàn chân do đái tháo đường thường gặp ở cạnh bàn chân, ngón chân cái, phía dưới ngón chân cái, giữa các ngón chân và vùng gót chân

Nhiễm trùng

Nhiễm trùng là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh lý bàn chân ở người bị đái tháo đường. Nếu không thể loại bỏ nhiễm trùng bằng thuốc kháng sinhlàm sạch các mô bị bệnh  sẽ dẫn đến nguy cơ cao bàn chân bị hoại tử và buộc phải cắt bỏ.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, những bệnh nhân đái tháo đường đã phải cắt bỏ một bàn chân hoặc một chân có nguy cơ cao bị cắt cụt chân hoặc bàn chân còn lại trong vòng 5 năm tới. Hơn nữa, tỷ lệ tử vong trong 5 năm là rất cao mà nguyên nhân liên quan đến việc cắt cụt chi ở bệnh nhân đái tháo đường.

Xanh duong dam Anh Chuc mung Sinh Nhat Bai dang Facebook 2
Nếu không thể loại bỏ nhiễm trùng bằng thuốc kháng sinh và làm sạch các mô bị bệnh  sẽ dẫn đến nguy cơ cao bàn chân bị hoại tử và buộc phải cắt bỏ

Một số nguyên nhân gây nên tình trạng nhiễm trùng bàn chân đái tháo đường có thể kể đến như là:

  1. Bệnh lý thần kinh ngoại biên khiến người bệnh không cảm nhận được cơn đau nên khi phát hiện thì vết thương đã chuyển biến xấu. Ngoài ra, bệnh lý này còn ảnh hưởng đến thị giác nên bệnh nhân không thể quan sát thấy các vết thương nhỏ/ biến đổi ở bàn chân.
  2. Động mạch ngoại vi và các mạch máu nhỏ bị tổn thương khiến cho chúng không thể mang máu, oxi, chất kháng sinh đến nuôi dưỡng vết thương.
  3. Sức đề kháng kém nên khiến các loại vi khuẩn cơ hội/ nấm da/ nấm móng dễ dàng xâm nhập vào vết thương gây nhiễm trùng. Một số vi khuẩn thường gặp ở các vết loét bàn chân đái tháo đường như Staphylococcus aureus, Enterobacteriaceae,Enterococcus spp.,…tình trạng vết thương có thể nặng hơn khi hệ miễn dịch ngày càng suy yếu dẫn đến số lượng vi khuẩn gia tăng.
  4. Trạng thái tiết mồ hôi bất thường khiến da kho và nứt nẻ, tăng nguy cơ nhiễm trùng
  5. Móng chân mọc bất thường
  6. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào những tổn thương da xung quanh các vết chai lâu ngày làm vùng da nhiễm trùng, chảy mủ.
  7. Chăm sóc bàn chân/ vết thương ở bàn chân không đúng cách. Ví dụ như mang giày dép không vừa, không thích hợp gây phồng rộp, sừng hóa, tạo chai; hút thuốc lá; uống rượu bia; ăn uống không điều độ.

Trên đây là những thông tin mà Chuyên Gia Vết Thương tổng hợp về những nguyên nhân gây nên biến chứng bàn chân đái tháo đường. Trong kì sau chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp cho các bạn những kiến thức mới về đánh giá mức độ tổn thương của bàn chân đái tháo đường cũng như các phương pháp chăm sóc hiệu quả!

Thủy Tiên


Tài liệu tham khảo

https://blog.wcei.net/how-to-care-for-diabetic-foot-ulcers-and-other-diabetic-wounds

https://southwestwoundcare.com/diabetic-foot-ulcer-causes-symptoms-diagnosis-treatment-in-lubbock-tx/

https://www.cdc.gov/heartdisease/PAD.htm

https://vascular.org/patient-resources/vascular-conditions/peripheral-arterial-disease

https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S1043661813002788

https://www.slideshare.net/mahadevdeuja1/diabetic-peripheral-neuropathy-121293449

https://coloradopain.co/pain-conditions/common/diabetic-peripheral-neuropathy/

http://highlandsfoot.com/service-overview/diabetic-peripheral-neuropathy/